Vào ngày 24/4, Phó chủ tịch phụ trách mảng Xã hội của Google, Vic Gundotra đã chính thức rời bỏ vị trí tại gã khổng lồ tìm kiếm. Diễn biến này đặt tương lai của mạng xã hội Google+, "con đẻ" của Gundotra, vào một dấu hỏi rất lớn.
Theo trang công nghệ TechCrunch, nhiều nguồn tin đồn cho biết Google+ sẽ được phát triển để trở thành một nền tảng thay vì là một sản phẩm độc lập như trước, và do đó không còn là một mạng xã hội cạnh tranh với Facebook hay Twitter nữa.
Song, trong tuyên bố gửi tới trang tin công nghệ này, đại diện chính thức của Google đã phủ nhận các tin đồn nói trên: "Thông tin của ngày hôm nay sẽ không gây ảnh hưởng tới chiến lược Google+ của chúng tôi – chúng tôi có một đội ngũ cực kì tải năng sẽ tiếp tục tạo ra những trải nghiệm người dùng tuyệt vời trên Google+, Hangouts và Photos".
Theo 2 nguồn tin của TechCrunch, Google hiện đang xáo trộn các đội ngũ từng chịu trách nhiệm cốt lõi trong quá trình phát triển Google+, bao gồm từ 1.000 – 1.200 người. Tuy vậy, Google hiện cũng đang xây dựng một tòa nhà mới tại trụ sở của mình, do đó quá trình chuyển dịch (bao gồm cả về mặt địa điểm) chắc chắn đang diễn ra, và lý do không nhất thiết là do sự ra đi của Gundotra.
Do các xáo trộn nhân sự này, đội ngũ Hangouts sẽ được chuyển về đội ngũ Android, và rất có thể nhân sự của Photos cũng sẽ sớm về sáp nhập với Android. Nói tóm lại, theo các nguồn tin này, Google sẽ chuyển các tài năng từ Google+ sang xây dựng cho Android.
Đồng thời, TechCrunch cũng khẳng định Google hiện chưa đưa ra quyết định sẽ làm gì với các nhóm nhân lực không được chuyển về Android. "Google+ chưa 'chết' hẳn, mà chỉ là một 'thây ma' (zombie) mà thôi. Đó là điều xảy ra khi bạn sa thải người lãnh đạo và dịch chuyển tất cả các nguồn lực. Google sẽ phải tốn rất nhiều công sức để 'hồi sinh' cho Google+", nguồn tin của TechCrunch cho biết.
Trong khi tương lai của các nhóm nhân viên nói trên hiện vẫn chưa được định đoạt, rất có thể Google sẽ học theo Facebook và đưa những người này về tập trung phát triển di động. Điều này đồng nghĩa với việc Google sẽ đẩy mạnh quá trình phát triển cho các nền tảng di động chứ không phải là Google+. Có thể, các đội ngũ này sẽ tập trung phát triển các widget có thể tận dụng vai trò nền tảng của Google+, thay vì tập trung phát triển Google+ dưới hình thức một sản phẩm độc lập.
Rất có thể, chính quá trình tích hợp thất bại Google+ vào YouTube với vô số các phản hồi tiêu cực từ người dùng là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Ngay cả nội bộ Google cũng coi bước đi nói trên là một động thái quá rủi ro.
Điều này không có nghĩa rằng Google sẽ ngừng quá trình tích hợp Google+ vào các nền tảng khác. Gmail sẽ tiếp tục được tích hợp Google+, song rất có thể gã khổng lồ tìm kiếm sẽ chỉ giữ lại nền tảng đăng nhập đa hệ thống (sign-on) thay vì "copy, paste" Google+ lên Gmail như trước đây.
TechCrunch cũng đưa ra phỏng đoán về mâu thuẫn giữa Gundotra và các lãnh đạo khác của Google, đặc biệt là về quá trình "cố tình tích hợp" Google+ vào các sản phẩm khác như YouTube và Gmail. Có vẻ như mỗi lần Google thực hiện tích hợp mạng xã hội của mình vào các dịch vụ này, người dùng của YouTube và Gmail sẽ được cộng vào số lượng người dùng thường xuyên của Google+. Con số này sẽ được giữ cho tới khi nhà sáng lập, CEO Larry Page đưa ra quyết định cuối cùng.
Vị trí của Gundotra sẽ do David Besbris, hiện đang nắm vị trí Phó chủ tịch phụ trách mảng Kỹ thuật của Google đảm trách. Theo các tin đồn, một phần của Google+ sẽ được chuyển sang cho "người chịu trách nhiệm phát triển Chrome. Hiện, chưa rõ liệu đây có phải là Sundar Pichai, người lãnh đạo bộ phận Chrome và Android hay không. Nguồn tin của TechCrunch nhận xét "Mọi thứ rất phức tạp", trong khi đại diện của Google thì từ chối bình luận về thông tin này.
Rất có thể, hành động mua lại và sáp nhập WhatsApp với giá 19 tỷ USD của Facebook đã khiến cho Google phải vội vàng ngừng "thí nghiệm Google+" của Gundotra. Khi thương vụ WhatsApp và Facebook được công bố, nhiều người đã đưa ra nhận định rằng Google đã "bỏ lỡ thương vụ sáp nhập lớn nhất trên mảng mạng xã hội". Ngược lại, cũng có những nguồn tin nhận định rằng Google biết rất rõ về WhatsApp và không muốn bỏ tiền ra mua dịch vụ này.
Từ trước tới giờ, toàn bộ mục đích của Google+ vẫn là biến tất cả mọi người dùng của Google trở thành một người dùng đăng nhập đa hệ thống (ví dụ, người dùng đăng nhập trên Gmail thì không cần phải đăng nhập trong Docs hay Search nữa). Do đó, các thay đổi mới của Google cho thấy Google+ sẽ tiếp tục hướng đi này và trở thành một dịch vụ (đăng nhập) dưới nền chứ không phải là một dịch vụ cho người dùng cuối trực tiếp sử dụng.
Song, hiện tại Google+ vẫn đang thực hiện nhiều cải tiến thú vị, đặc biệt là trên mảng ảnh chụp. Nếu như Android được tích hợp các tính năng độc đáo của Google+ Photos, người dùng Android sẽ là những người hưởng lợi nhiều nhất.
Nhìn chung, vấn đề lớn nhất của Google+ không phải là chất lượng thiết kế của (sản phẩm) mạng xã hội Google+. Thay vào đó, vấn đề của nền tảng này là cách mà Google cố tình tích hợp Plus vào các dịch vụ khác: như một con nhện gây khó chịu cho người dùng. Hy vọng rằng, các xáo trộn của ngày hôm nay sẽ giúp mang tới một trải nghiệm Google+ dễ chịu hơn trong tương lai.